duhcc

Nước Đức có truyền thống nghiên cứu và khoa học lâu đời. Trường đại học đầu tiên được thành lập năm 1386 tại Heidelberg. Từ đó, các trường đại học Đức đã phát triển một cách nhanh chóng, vững vàng, mạnh mẽ. Tiếp thu các cải cách đại học của Wilhelm von Humboldt trong thế kỷ 19, các trường đại học Đức ngày nay phát huy những nguyên tắc của ông về việc thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy để sinh viên có thể nhận được sự hướng dẫn tận tình và tiếp cận được các thành tựu nghiên cứu mới nhất.

Hệ thống các trường đại học Đức là rất khác biệt. Có khoảng 390 trường đại học Đức được nhà nước công nhận ở 170 thành phố trên khắp nước Đức và được chia làm 3 loại trường:

  • Trường ĐH Tổng hợp hoặc trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật thiên về nghiên cứu
  • Trường ĐH Khoa học ứng dụng thiên về hướng thực hành
  • Các trường cao đẳng nghệ thuật, âm nhạc hoặc điện ảnh

Mỗi bang trong số 16 bang của nước Đức có luật giáo dục đại học riêng và mỗi trường đại học Đức lại có một mức độ độc lập nhất định. Do đó, bên cạnh sự đa dạng trong đào tạo, yêu cầu đầu vào của các trường đại học Đức cũng không giống nhau.

Có hơn 16.000 chương trình có bằng cấp khác nhau được dạy tại các trường đại học Đức – ở bậc đại học và sau đại học. Bạn chắc hẳn sẽ tìm thấy được cho mình một chương trình phù hợp tại trang web: www.study-in.de. Cơ sở dữ liệu tổng quát và được cập nhật thường xuyên này bởi chính các trường đại học Đức sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin quan trọng nhất không chỉ liên quan đến ngành học bạn muốn đăng ký mà còn cho cuộc sống du học của bạn.

Để chuẩn bị cho việc du học của bạn tại Đức, bạn cần dành thời gian để học tiếng Đức. Cho dù bạn đăng ký một chương trình học bằng tiếng Đức hay một chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, bạn vẫn nên học xong hết tiếng Đức ở trình độ sơ cấp, tức trình độ B1 theo Khung tham chiếu châu Âu. Điều này sẽ có ích cho bạn khi bạn cần một chỗ thực tập hay tìm việc làm thêm trong thời gian ở Đức. Đối với sinh viên học bằng tiếng Đức, hầu hết các trường đại học đòi hỏi chứng chỉ B1 tiếng Đức, một số trường đòi hỏi chứng chỉ B2. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian để học thành thạo ngoại ngữ này.

Các sinh viên Việt Nam còn cần một Giấy chứng nhận của Bộ phận kiểm tra học vấn (APS) của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Giấy chứng nhận này sẽ xác nhận rằng các bằng cấp mà bạn nộp là hợp lệ và bạn đủ điều kiện để vào học tại trường đại học Đức. Các bạn cần đính kèm giấy chứng nhận này khi xin học tại Đức và khi làm thủ tục xin cấp visa.

 

 Quy trình nhập học của sinh viên Việt Nam vào hệ thống Giáo dục Đại học ở Đức

DUC2
Khoảng 1 năm trước khi đến nước Đức:
Kế hoạch chuẩn bị:

  • Hãy tìm hiểu về các cơ hội học tập tại Đức (study-in.de)
  • Hãy tìm hiểu xem bạn có đủ điều kiện để du học Đức hay chưa (daadvn.org).
  • Bằng tốt nghiệp của bạn đã đủ chưa?
  • Bạn đã chuẩn bị hết các hồ sơ chưa (APS, TestAS v.v…)?
  • Bạn có phải thi bằng ngoại ngữ nào hay không?
  • Bạn hãy tìm các nguồn tài chính cho việc du học của bạn.

Nửa năm trước khi đi du học:

  • Quyết định chọn một hay một vài ngành học và trường đại học.
  • Liên hệ với văn phòng sinh viên quốc tế của trường đại học mà bạn muốn học.

Từ 4-5 tháng trước khi du học:

  • Gửi Đơn đăng ký cho trường. Hãy lưu ý đến hạn nộp hồ sơ.

Khi bạn đã nhận được giấy gọi nhập học:

  • Nếu bạn muốn ở ký túc xá, hãy đăng ký.
  • Làm đơn xin cấp visa.
  • Trong trường hợp cần thiết, hãy chuẩn bị mua bảo hiểm y tế tại Đức hoặc bảo hiểm du lịch toàn cầu.

1-2 tuần trước khi du học:

  • Hãy kiểm tra bạn đã có đủ tất cả giấy tờ cần thiết chưa.
  • Lên kế hoạch bạn sẽ ở những đêm đầu tiên tại Đức như thế nào.
  • Liên hệ bằng email để xin hẹn xem phòng/nhà thuê.